Bánh dày nhân vừng đen đặc sản của người Tày Na Hang
Bánh dày ở mỗi vùng miền lại có mùi vị, cách chế biến khác nhau thể hiện dấu ấn riêng của từng vùng. Trong đó, bánh dày nhân vừng đen của người Tày ở huyện Na Hang là một món ăn độc đáo không thể thiếu trong những ngày lễ, Tết.
Trong những món ăn truyền thống, bánh dày nhân vừng đen là món bánh không thể thiếu của người Tày trong ngày Tết Đắp nọi, lễ cúng mát nhà, cúng giỗ gia tiên, lễ hội, đám cưới... Để làm nên loại bánh dày thơm ngon này, người Tày sử dụng gạo nếp nương, một loại gạo có một mùi thơm rất đặc trưng, hạt to, trong, không pha trộn với gạo tẻ. Nhân bánh được làm bằng vừng đen và đường trắng, tưởng chừng đơn giản nhưng lại làm nên sự thơm ngon của chiếc bánh bởi tính dẻo của gạo nếp đã hòa quyện với vị ngọt thơm của nhân bánh.
Vợ chồng chị Hoàng Thị Bên, tổ dân phố Khuôn Phươn, thị trấn Na Hang làm bánh dày nhân vừng đen
Để có được bánh ngon, người làm bánh phải khéo léo, kỳ công. Gạo được ngâm từ tối hôm trước đến sáng hôm sau vo lại rồi đồ cách thủy đến khi nếp chín chị đổ xôi ra giã nhuyễn. Muốn bánh ngon phải giã nhanh và đều tay, thường xuyên đảo cho khỏi dính. Nhân bánh làm từ vừng đen được rang chín, giã nhỏ, đường được canh lên rồi đổ vừng xuống đến khi hỗn hợp quyện vào nhau.
Với những người con của mảnh đất Na Hang, bánh dày nhân vừng đen gợi cho họ biết bao kỷ niệm về tuổi thơ. Món ăn giản dị, đậm đà hương vị quê hương không chỉ là món ăn tinh thần, mà còn chứa đựng trong đó sự cần cù, chịu thương chịu khó của người dân nơi đây; là món quà quê ý nghĩa thể hiện nét đẹp văn hóa ẩm thực của người Tày Na Hang và ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Lạp xưởng Suối Khoáng
Lạp xưởng thực chất là thịt lợn đen nhồi vào lòng của thịt lợn đen rồi phơi ra nắng và treo lên gác bếp. Nhờ đó lạp xưởng có thể bảo quản được quanh năm. Đây là phương thức độc đáo của lạp xưởng độc đáo của đồng bào dân tộc vùng cao giúp có thực phẩm dự trữ lâu dài trong nhà đồng thời tạo ra một món đặc sản ngon với hương vị rất đặc biệt
Bánh cuốn
Nếu như ở Cao Bằng có bánh cuốn thịt vịt, ở Hà Nội có bánh cuốn Thanh Trì và bánh cuốn trứng cà cuống phố cổ, ở TP Hồ Chí Minh có bánh cuốn “Hạt gạo làng ta”… thì ở Tuyên Quang lại có món bánh cuốn chả viên rất riêng biệt.
Chả được làm từ thịt lợn địa phương, giống lợn thơm ngon và chắc thịt, sau khi băm nhỏ thịt sẽ được trộn với nấm hương và mộc nhĩ vùng cao, tiếp đến được nắm thành viên nhỏ, chả được rán chín trước khi ăn kèm với bánh cuốn.
Điểm khác biệt của bánh cuốn Tuyên Quang chính là ở nước chấm. Nếu ai đó đã có dịp thử các món bánh cuốn ở những vùng miền khác nhau sẽ thấy được sự khác biệt trong nước chấm của bánh cuốn Tuyên Quang.
Rượu ngô Na Hang
Rượu ngô Na Hang không chỉ dễ "say như điếu" bởi chất ngô ngọt lử mà còn bởi công thức gây men đặc biệt từ lá rừng. Men lá được pha chế từ hơn 20 loại thảo dược quý có tác dụng chữa lành vết thương, phong thấp, thấp khớp... Chỉ cần một nhấp rượu ngô Na Hang, bạn có thể cảm nhận được hương thơm vị mát lan tỏa khắp cơ thể.
Bánh gai Chiêm Hóa
Ngoài mắm cá, bánh gai Chiêm Hoá cũng đóng góp hương vị đặc sắc vào văn hoá ẩm thực đất Tuyên Quang. Bánh gai được làm từ lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, dừa tơi, mứt bí, hạt sen, dầu chuối, mỡ lợn. Muốn có chiếc bánh thơm ngon, phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm, sau đó để ráo nước và xay thành bột. Lá gai phơi khô tước bỏ hết gân, thái nhỏ, đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn, trộn với bột và mật mía làm vỏ bánh. Hương vị của lá gai quyện vào mùi thơm của gạo nếp với lá chuối khô, tạo nên hương vị rất đặc trưng.